Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Hà Nội đang dùng nước sinh hoạt nhiễm độc

Nước máy sinh hoạt tại nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội có nồng độ amoni vượt mức cho phép hàng chục lần, có nơi nước còn chứa cả asen (thạch tín).
Nước ngầm không xử lý dễ bị ô nhiễm asen
Đây là kết quả tổng hợp của tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhị và cộng sự (Viện Công nghệ sinh học -Viện Khoa học công nghệ VN) trong quá trình lấy mẫu thử nước máy tại các khu dân cư trên khắp địa bàn Hà Nội.
Theo đó, mẫu thử của các hộ dân dùng nước từ nhà máy nước Hạ Đình, Pháp Vân, Tương Mai... nhiễm amoni, asen vượt mức cho phép nhiều lần. Mẫu thử từ các trạm cấp nước Bách Khoa, Phòng không không quân, Hào Nam và các trạm khu vực phía Nam Hà Nội, khu vực đường Tam Trinh đều nhiễm amoni.
Nặng nhất là các hộ dùng nước nhà máy Pháp Vân với hàm lượng amoni vượt 10-40 lần mức cho phép 1,5 mg/l. Các nhà máy Hạ Đình, Tương Mai có mức nhiễm gấp 5-13 lần cho phép. Hàm lượng asen từ nước máy Pháp Vân, Hạ Đình cao gấp 2-5 lần mức giới hạn...
Tiến sĩ Nhị, hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ sinh học, cho biết bản thân amoni (NH4+) không độc. Nhưng trong quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ nước, nó chuyển hóa thành nitrit và nitrat. Nitrit là chất độc hại đối với cơ thể.
Nước cùng một nguồn trước và sau khi thử định tính với amoni. Ảnh: H.H.
Trong quá trình lấy mẫu, ông Nhị đã thử định tính tại hàng chục gia đình. Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán, hơn 20 gia đình dùng nước máy đã được ông lấy mẫu thử và cho kết quả ngay. Điển hình nhất là tại gia đình anh Vũ Đức Thuấn, tổ 76, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), với 2 mẫu thử, lọ thứ nhất, chưa đầy một phút sau khi nhỏ hoá chất thử amoni, nước chuyển màu vàng đục. Lọ thứ hai được nhỏ vài giọt hoá chất để thử phản ứng nitrit, sau gần một phút, nước cũng chuyển màu tím sẫm.
Tiến sĩ Nhị cho biết, nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni rất nặng. Thậm chí đã chuyển hoá thành nitrit độc hại. Lọ màu vàng đục là biểu hiện nước bị nhiễm amoni. Lọ màu tím biểu hiện nước nhiễm nitrit với tỉ lệ quá cao.
Cũng theo ông Nhị, nguồn gốc amoni trong nước ngầm là do tích tụ từ cặn bã, chất thải sinh hoạt, phân bón... Không chỉ Hà Nội, những vùng đồng bằng, vùng trũng tập trung đông dân cư thì nước ngầm càng dễ bị nhiễm chất này. Hoạt động khoan giếng thủ công dày đặc càng khiến cho nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm bẩn.
Riêng việc tiếp xúc lâu dài với asen rất dễ gây ung thư da, ung thư phổi, bàng quang... Thậm chí làm rối loạn gene. Người uống nước nhiễm asen lâu ngày còn có các triệu chứng xuất hiện các đốm màu sẫm trên cơ thể, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân.
Theo tiến sĩ Trần Văn Nhị, nếu Hà Nội tiếp tục khai thác nước ngầm làm nước sinh hoạt, việc loại trừ amoni và asen là không thể. Công nghệ xử lý hiện tại bằng dàn phun mưa cấp oxy của các nhà máy nước sạch chỉ xử lý được cặn và sắt.
"Biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ amoni và asen là dùng nước sông Đà thay thế hoàn toàn nguồn nước ngầm", ông Nhị nói.
Tuy nhiên, mục tiêu của Hà Nội tới năm 2015 chỉ mới cung cấp được 200.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn nước sông Đà. Trong khi người dân nội thành mỗi ngày đang dùng hơn 750.000 m3.
Năm 2002, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố tình trạng nhiễm amoni trong nước ngầm đến mức báo động ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tại nhiều tỉnh, xác suất các nguồn nước ngầm nhiễm amoni ở nồng độ cao hơn tiêu chuẩn lên tới 80%. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một phương pháp xử lý hữu hiệu nào được áp dụng tại các trạm cấp nước, nhà máy khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt.


Nguyễn Hưng
Theo: vnexpress.net

Liên hệ: 
Mr Mạnh: 0936 122 788             
Email: ducmanh166@yahoo.com.vn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét